Làm Gì Có Môi Trường Làm Việc Hoàn Hảo

Làm Gì Có Môi Trường Làm Việc Hoàn Hảo
Photo by Jaanus Jagomägi / Unsplash

Khi nhắc đến công việc, mọi người thường ao ước một môi trường hoàn hảo: không chính trị, khối lượng công việc hợp lý, nhiều cơ hội phát triển, đồng nghiệp dễ mến,… Nhưng chúng ta đều biết: làm gì có nơi nào hoàn hảo đến thế?

Công việc là những hoạt động mà con người thực hiện nhằm tạo ra giá trị, sản phẩm, hoặc dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của xã hội và bản thân. Con người phải lao động vì đó là cách để duy trì cuộc sống, xây dựng tương lai, và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng. Nhưng không phải mọi lao động đều giống nhau: mỗi công việc đều mang tính chất và yêu cầu khác nhau, từ kỹ năng, kiến thức cho đến mức độ trách nhiệm.

Hôm nay, mình sẽ viết về ba lí do dễ khiến bạn “khó chịu vô cùng” khi nhắc đến công việc.

1. Chính Trị Văn Phòng

Nếu đây là lần đầu bạn nghe đến khái niệm này, thì: Chính trị văn phòng là những hành vi, chiến lược cá nhân (hoặc nhóm) trong môi trường làm việc nhằm đạt được lợi ích cá nhân hoặc quyền lực, thường thông qua sự thao túng, cạnh tranh không lành mạnh, hoặc xây dựng liên minh.

Ví dụ dễ hiểu: Trong làm việc nhóm, bạn có thể gặp trường hợp trưởng nhóm của mình luôn đùn đẩy cho bạn những nhiệm vụ khó nhằn, ít được chú ý, còn họ thì đảm nhiệm những phần dễ dàng hơn nhưng lại mang lại nhiều visibility (độ nhận diện, kiểu như ai cũng thấy và biết), như là trình bày sản phẩm hay giao tiếp với các team đối tác. Khi dự án thành công, sự công nhận phần lớn thuộc về họ, còn bạn chỉ nhận được vài lời khen vì đã hỗ trợ.

Đây là một ví dụ đơn giản cho hành vi chính trị văn phòng ở mức độ cá nhân. Sẽ có những hành vi thao túng phức tạp hơn, ảnh hưởng rộng lớn hơn, thậm chí xảy ra ngay trước mắt bạn, nhưng bạn không hề nhận ra bản chất “chính trị” của nó. Hãy quan sát nhiều hơn khi đi làm nhé!

2. Quá Tải Công Việc

Một vấn đề phổ biến khác là việc bạn bị giao quá nhiều công việc mà thời gian hoặc nguồn lực không đủ để hoàn thành. Bạn cảm thấy mình đang bị “chôn vùi” trong một đống nhiệm vụ, liên tục phải làm thêm giờ và không có thời gian nghỉ ngơi, dẫn đến tình trạng căng thẳng và mệt mỏi.

Đây là một vấn đề khá phổ biến, vì bản chất của việc “sử dụng lao động” là người sử dụng lao động cần đạt được lợi ích kinh tế cao hơn giá trị mà người lao động cung cấp. Điều này đồng nghĩa với việc họ thường tối ưu hóa lượng công việc trên mỗi nhân viên để đảm bảo lợi nhuận.

Ví dụ dễ hiểu: Tôi là Cô Tấm, nhưng Tấm này không nghèo, Tấm Chủ Cả, và tôi cần lựa rổ gạo-thóc lẫn lộn này trước 3 giờ chiều nay, bây giờ là đúng 12 giờ trưa. Tôi có nghe kinh nghiệm từ mấy con bạn rằng tôi có thể mướn mấy chú chim giúp:

  • 5 chim thì làm mất 4 tiếng,
  • 10 chim thì làm mất 2 tiếng.

Tôi có 3 tiếng, vậy cần mấy chim? Bạn nghĩ 7 hay 8 chim? Bạn sai rồi, bạn chỉ cần 6 chim là đủ để hoàn thành trong 3 tiếng! 🤭

“Hack” não xong rồi, nhưng đại ý là: ai đi làm mà không cảm thấy bị ngộp với khối lượng công việc, đúng không? Đó là bản chất của lao động. Lao động ở mức độ càng cơ bản thì vấn đề này càng được thể hiện rõ ràng. Hãy "tạm" chấp nhận vậy đi!

3. Thiếu Công Nhận 

Ở tình huống trên, nếu bạn không xử lý hết khối công việc thì đã đành, nhưng ở đây bạn đã hoàn thành sạch sẽ, mà chẳng nhận được gì cả. Chuyện này rất phổ biến ở các tập đoàn lớn: bạn vừa hoàn thành một dự án đầy thử thách và mong đợi nhận được lời khen ngợi hoặc ít nhất là sự công nhận từ quản lý. Nhưng thay vì điều đó, tất cả những gì bạn nhận được chỉ là một lời cảm ơn thoáng qua, như thể đó chỉ là trách nhiệm mà bạn phải làm.

Họ đã cố tình thiết kế một môi trường như vậy, để bạn cảm thấy mọi cố gắng của mình cũng chưa là gì, và bạn phải cố gắng nhiều hơn nữa, 200%, 300%.

Reframing

Cả thế giới này được nhìn nhận qua “thế giới quan” của bạn. Bạn thay đổi một suy nghĩ, cả thế giới này có thể đảo lộn! Đó chính là reframing. Vậy hãy thử xem:

  1. Chính trị văn phòng: Thay vì nhìn nhận hành động của trưởng nhóm chỉ ở góc độ tiêu cực, hãy xem đây là cơ hội để rèn luyện kỹ năng xử lý những trách nhiệm phức tạp. Đó là cơ hội để bạn xây dựng nền tảng kỹ năng quan trọng cho chính mình.
  2. Quá tải công việc: Thay vì nhìn nhận khối lượng công việc lớn như một gánh nặng, hãy xem nó là cơ hội để bạn rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian và sắp xếp ưu tiên công việc. Đây cũng là lúc học cách từ chối (how to say no) và thương lượng hiệu quả.
  3. Thiếu công nhận: Thay vì phụ thuộc vào sự công nhận từ người khác, hãy tự hài lòng với thành tựu của mình. Ghi nhận những gì đã đạt được và kỹ năng phát triển trong quá trình hoàn thành dự án.
Nếu chỉ dừng lại ở đây thì khác nào tự lừa dối bản thân để chịu đựng, cho nên sau khi uống "thuốc giảm đau" thì chúng ta vẫn phải đi gặp bác sĩ. 👇

Triage

Mọi thứ đều có thể xử lý, chỉ cần bạn muốn!

  1. Chính trị văn phòng: Chủ động đề nghị tham gia vào các phần bạn thấy hứng thú. Nếu trưởng nhóm tiếp tục giao nhiệm vụ khó mà không cho bạn cơ hội phát triển, hãy cân nhắc thảo luận với cấp trên, nhưng phải khéo léo và tập trung vào lợi ích chung của team / dự án.
  2. Quá tải công việc: Đánh giá lại công việc, xác định ưu tiên hàng đầu, và tìm cách tái phân bổ hoặc yêu cầu hỗ trợ từ đồng đội. Nếu không thể hoàn thành đúng hạn, thảo luận với quản lý về việc gia hạn hoặc điều chỉnh mục tiêu.
  3. Thiếu công nhận: Chủ động đề xuất một buổi thảo luận với quản lý về đóng góp của bạn và lộ trình phát triển công việc.

Kết Luận

Không có môi trường làm việc nào là hoàn hảo. Thay vì mãi tìm kiếm một công việc chuẩn chỉnh, hãy học cách thích nghi và đối mặt với những thách thức trong công việc. Môi trường làm việc thực chất được thiết kế để tối đa hóa lợi ích cho tổ chức, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể tìm thấy giá trị và ý nghĩa cho bản thân. Hãy phát triển các kỹ năng xử lý tình huống, biết khi nào nên cống hiến, và khi nào nên tập trung vào phát triển bản thân.

Bởi vì, cuối cùng, một sự nghiệp thành công không đến từ việc tìm thấy một-hai công việc hoàn hảo, mà từ việc bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình sau nhiều năm cố gắng. Khi bạn nâng cao giá trị cốt lõi của bản thân, bạn sẽ sống một cuộc sống có ý nghĩa, dù làm việc ở bất cứ đâu.