Nhảy Job: Nên Hay Không?
Nếu bạn đang trăn trở câu hỏi câu này, thì câu trả lời nhiều khả năng là “nên”. Vì sao? Vì nếu công việc hiện tại thật sự “cuốn”, bạn đã không phải đấu tranh nội tâm về việc rời đi.
Nhưng mình không phải là người đưa ra quyết định thay bạn, và thật ra cũng không ai có thể – ngoại trừ chính bạn. Gần đây, mình đọc cuốn “Quit: The Power of Knowing When to Walk Away” của Annie Duke, và thấy rất đồng cảm với những gì tác giả nói về tâm lý “ngại bỏ cuộc”. Điều này cũng phản ánh rất đúng trải nghiệm nhảy việc của mình.
Thiên Kiến Giữ Nguyên Trạng Và Chi Phí Chìm
Chúng ta – con người – luôn bị chi phối bởi hai yếu tố tâm lý chính:
- Thiên kiến giữ nguyên trạng: Chúng ta thường thích duy trì hiện tại vì sợ phải đối mặt với những bất định của thay đổi.
- Chi phí chìm: Chúng ta khó chấp nhận buông bỏ những gì đã đầu tư, ngay cả khi nó không còn giá trị nữa.
Những suy nghĩ như:
- “Mình đã dành 2 năm trời để hiểu rõ công việc này, giờ bỏ thì tiếc quá.”
- “Cố thêm vài tháng nữa thôi, ông sếp sẽ để ý và cất nhắc mình lên chức.”
…là minh chứng rõ ràng nhất. Nhưng thực tế, những gì bạn đã bỏ ra chỉ tồn tại trong ký ức của bạn – chúng không mang lại giá trị gì cho tương lai nếu bạn không hành động.
Vậy làm sao để biết có nên nhảy việc hay không?
Hãy tự hỏi hai câu hỏi cốt lõi sau:
- Bạn có đang hài lòng với công việc hiện tại không?
- Công việc này có giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của mình không?
Nếu câu trả lời là “không” cho cả hai, thì đã đến lúc bạn cần nghiêm túc xem xét. Đừng đặt kỳ vọng rằng một ngày đẹp trời ai đó sẽ “ban phát” cho bạn cơ hội. Hãy hiểu rằng các công ty vận hành theo những quy tắc kinh tế đã được tối ưu qua nhiều năm: giữ bạn ở mức đủ hài lòng để không bỏ đi, nhưng cũng không đủ tốt để phải trả nhiều hơn mức cần thiết.
Từ kinh nghiệm cá nhân ở Microsoft và Meta, mình nhận thấy: khi bạn được thăng hạng, thường là bạn đã xứng đáng với vị trí đó từ 12-18 tháng trước rồi. Trong khoảng thời gian đó, bạn đã phải chịu cảnh bị “underpaid”, chỉ để đến lúc họ “công nhận” sự xứng đáng của bạn.
Đây không phải sự chỉ trích – đó là cách hệ thống vận hành. Nhưng điều này nhắc mình rằng, thay vì chờ đợi sự công nhận, bạn nên chủ động định hình con đường của mình.
Đừng Bỏ Qua Chi Phí Cơ Hội
Từ bỏ chưa bao giờ dễ dàng. Bạn sẽ luôn có cảm giác như:
- “Cố thêm chút nữa là được tăng lương.”
- “Xong thêm dự án này nữa thôi là sếp sẽ cho lên chức.”
Nhưng hãy nhớ rằng, cái giá của việc “ở lại” chính là chi phí cơ hội – thời gian, năng lượng, và những cơ hội phát triển mà bạn có thể đạt được ở nơi khác.
Dĩ nhiên, cỏ bên kia đồi chưa chắc xanh hơn. Nhưng điều chắc chắn là: mỗi lần bạn thay đổi, bạn đều có cơ hội học hỏi những điều mới, gặp gỡ những người mới, và thử thách giới hạn của bản thân. Đó là cách bạn trưởng thành – không phải bằng cách ngồi một chỗ, đợi phép màu.
Kết Luận
Nhảy việc không phải là sự từ bỏ, nếu bạn nhìn nó góc độ sự nghiệp. Nó là một hành động có tính toán để bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của mình. Nếu công việc hiện tại không còn phù hợp, hãy tự tin bước đi, vì sự phát triển của bạn quan trọng hơn bất kỳ trạng thái an toàn nào.
Hãy nhớ: Thành công không đến từ việc chờ đợi. Thành công đến từ hành động. Và đôi khi, hành động đó chính là dám bước đi.